Đăng Ký Học
Ngày 10/03/2021 20:30:55, lượt xem: 2194
Đề bài: Trong tình yêu, người con gái luôn chất chứa những cảm xúc, những rung động xao xuyến. Anh(chị) hãy bình giảng 4 câu thơ sau để làm rõ nhận định trên :
“ Dữ dội và dịu em
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
(Sóng- Xuân Quỳnh).
Bài làm:
“ Ta rót vào tim tình yêu mộng tưởng
Uống đôi bờ môi xa xăm
Ta ước gặp em dẫu chỉ một lần
Cho khao khát trào dâng đê mê cháy bỏng”
Đề tài tình yêu luôn được xem là nét chấm phá giữa khu rừng nghệ thuật với những tiếng lòng thiết tha. Trong khu vườn ấy, ta bắt gặp một Xuân Diệu nồng nàn, say đắm với hồn thơ lãng mạn hay một Puskin pha chút si tình. Nhưng có lẽ, hồn thơ giàu cảm xúc, mang đến cho người đọc những cung bậc khác nhau trong tình yêu thì không thể không nhắc đến Xuân Quỳnh. Những vầng thơ của chị dịu êm như lời bài hát chạm khẽ vào sâu thẳm trái tim người đọc. Cũng chính vì thế thơ của chị luôn được độc giả săn đón nhiệt tình, mà tiêu biểu là thi phẩm “Sóng”. Thay lòng cho người con gái khi yêu, Xuân Quỳnh đã tạo nên khúc giao hưởng ngọt ngào với những nốt trầm xao xuyến tạo ra những rung động mãnh liệt. Mà tiêu biểu là bốn câu thơ mở đầu:
“ Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ kháng chiến chống Mỹ. Với sứ mệnh “ sinh ra để viết thư tình”, Xuân Quỳnh đã gây được ấn tượng cho độc giả với phong cách hồn nhiên, tươi tắn, chân thành đằm thắm và luôn da diết khát vọng đời thường. Thơ của chị giàu tình cảm và sự tinh tế nhưng ẩn sau những tình cảm ấy là tư tưởng có tính khái quát, triết lý, đấy là những triết lý nảy sinh từ cuộc sống. Bài thơ sóng được sáng tác năm 1967 in trong tập “ Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ là kết quả của chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền tỉnh Thái Bình, lúc nhà thơ mới 25 tuổi- cái tuổi mà người con gái ấy đã trải qua những đổ vỡ, những bồng bột đầu tiên trong tình yêu của mình và bây giờ trong trái tim cô gái đôi mươi ấy đang rạo rực, đang tha thiết hơn bao giờ hết. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét rằng: “Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng; vừa mãnh liệt, sôi nổi; vừa hồn nhiên, trong sáng; vừa ý nhị, sâu xa. Sau này, khi nếm trải nhiều, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn mãi tồn tại trong trái tim giàu có yêu thương của chị.”
Mở đầu bài thơ, Xuân Quỳnh đã vẽ nên hình ảnh của những con sóng xanh ở đại dương kia với những trạng thái đối lập:
“ Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Khi đứng giữa biển Diêm Điền gió lộng với những dải cát trắng trải dài , giữa đại dương mênh mông vô tận. Nhà thơ như thấy được lòng mình hiện tại. Biển xanh kia như nơi trút bầu tâm sự sau những muộn phiền, nơi giải tỏa những tâm tư chất chứa trong tình yêu. Bạn đã bao giờ đứng giữa biển lớn nghe tiếng rì rào sóng vỗ, cảm nhận được những cơn gió phả vào mặt mang theo chút hương của biển kia chưa. Nếu chưa hãy một lần trải nghiệm cảm giác này nhé. Tôi có lẽ phần nào hiểu được tại sao Xuân Quỳnh lại thấy rõ lòng mình khi đối mặt với đại dương kia, bởi cái không gian ấy đem lại cho mỗi chúng ta những cảm giác khó tả, khó bộc lộ thành lời. Với từ ngữ ngắn cùng phép tiểu đối Xuân Quỳnh đã gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc ở những câu thơ đầu tiên : ‘dữ dội- dịu êm”, “ ồn ào- lặng lẽ”. Đại dương kia mênh mông là thế đấy, nhưng cũng có lúc này lúc kia. Khi trời yên biển lặng, sóng mang vẻ thư thái của người con gái dịu dàng “ hôn nhẹ” vào bờ cát trắng , thế nhưng lúc phong ba bão tố con sóng ấy dường như hóa thành mãnh thú với tiếng gầm thét, vỗ ầm ầm vào bờ cát kia. Người con gái trong tình yêu cũng vậy, lúc dịu êm đềm, hạnh phúc họ mang dáng vẻ của người phụ nữ hiền thục nhưng cũng có lúc “ mưa trong lòng” với những giận hờn vô cớ. Có lẽ tình yêu là vậy, luôn đầy những bí ẩn chất chứa những điều không thể lý giải, như hiểu được nỗi lòng độc giả Xuân Quỳnh viết nên những dòng thơ:
“ Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên”
(Thuyền và Biển)
Dường như dòng sông kia là quá nhỏ để cho thỏa mãn những ước mơ lớn lao kia của song, chính về thế sóng mang theo hành trang quyết vươn ra biển lớn, vươn ra đại dương bao la ngoài kia để thỏa sức vẫy vùng :
“ Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.”
Trong tự nhiên, sông đổ ra biển, nên những con sóng cũng vươn mình ra biển lớn. Những con sóng mới ban đầu chỉ là những gợn nước nhỏ, dần dần nó mang theo sức mạnh và khát vọng lớn lao để chuyển mình thành sóng sông, rồi thành con sóng bể. Chúng luôn có xu hướng thoát ra khỏi vùng không gian chật hẹp để đến với những khoảng không thoáng đạt.Ta thường bắt gặp những gợn sóng lăn tăn hay thậm chí là mặt hồ yên ả, thế nhưng trái ngược với con sông ấy là đại dương xanh kia với những con sóng ngàn năm còn vỗ. Phải chăng chính sự yên bình, phẳng lặng mà dòng sông chọn lựa cho cuộc đời mình không đủ để hiểu khát vọng của những con sóng kia. Chính vì vậy, sóng quyết vươn ra biển lớn để tìm cái gọi là đam mê chân chính.Trong chuyện tình cảm lứa đôi cũng vậy, người con gái luôn muốn tìm cho mình một chỗ dựa vững chắc, một bờ vai rộng hay chỉ đơn giản là một cái ôm mỗi khi mệt mỏi chứ không phải là những lời hoa lá suông kia. Sông chính là sự hiện hữu cho những giới hạn cá nhân chật hẹp, mà con người muốn đến với tình yêu thì phải phá vỡ những giới hạn đó.Như nói hộ lòng người con gái trong tình yêu, Xuân Quỳnh đã cho người đọc thấy được sự mới mẻ, hiện đại nhưng cũng không kém phần mãnh liệt của người con gái khi yêu, họ luôn chủ động tìm kiếm, say đắm nồng nàn thậm chí vượt qua thử thách để có được tình yêu của chính mình mà GS-TS Trần Đăng Suyền từng nhận xét “Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở.”
Có thể thấy rằng, chỉ với bốn câu thơ mở đầu Xuân Quỳnh đã đem đến cho người đọc góc nhìn cũng như những quan điểm mới mẻ trong tình yêu.Với thể thơ 5 chữ kết hợp cùng nghệ thuật tiểu đối, “ bà hoàng thơ tình” đã tái hiện lại được những tâm tư, tình cảm những mãnh liệt và khao khát của trái tim người phụ nữ. Mượn hình ảnh con sóng xanh kia Xuân Quỳnh cũng cho người đọc thấy được những tâm tư, phiền muộn của họ.
Với trái tim yêu tha thiết, nồng nàn cùng lý trí sâu sắc và tâm hồn chân thành Xuân Quỳnh đã gây được tiếng vang xa tới những người đọc với những phát hiện độc đáo và quan niệm mới lạ trong tình yêu. Mà nổi bật lên trên bức họa “sóng” là sự song hành hình tượng sóng và em đã khắc họa vẻ đẹp vừa dịu dàng, tinh tế vừa chủ động, mãnh liệt, vừa truyền thống vừa hiện đại của một tình yêu chân thành.
BÀI VIẾT THUỘC VỀ TEAM CHUYÊN MÔN - HỌC VĂN CHỊ HIÊN
Tin liên quan